Storytelling:
“Chói quá”, Only vừa nghĩ vừa nheo mắt và lấy tay che mặt.
Được một lúc, cô bắt đầu ý thức không gian lạ lẫm mà mình đang ở.
– “Mình chết rồi sao?”
Trớ trêu thay, dường như cô chưa chết.
Only nhìn quanh căn phòng một lượt. Dường như đây là một phòng bệnh. Cái mùi của nó đặc trưng quá.
Trong phòng không có ai khác ngoài Only. Đầu cô hiện lên một vài suy nghĩ.
– “Sao mình còn chưa chết nhỉ?”
– “Mọi người bỏ rơi mình ở đây ư?”
Cảm giác hụt hẫng, sợ hãi, xen một chút tức giận dấy lên trong Only. Cô muốn ngồi dậy để làm cái gì đó thỏa mãn cảm xúc, như tự sát lần nữa chẳng hạn. Nhưng cơ thể cô không cho cô động đậy. Mặc dù toàn thân bất động, trong đầu Only là hàng trăm suy nghĩ đang thi nhau chạy.
Only oán trách mọi người bỏ cô lại một mình trong tình trạng này. Có điều cô cũng không biết mình sẽ ra sao khi phải đối diện với mọi người. Nghĩ đến đó, cửa phòng chợt mở. Only nhắm mắt lại.
Mẹ Only bước vào, tay xách nách mang. Cha Only theo sau, nét mặt hậm hực như bị bắt ép. Mẹ Only tiến đến gần xem xét tình trạng con gái, rồi ngồi xuống khóc nức nở. Only cảm thấy hoảng sợ, cô không biết chuyện gì đang diễn ra.
– “Khóc cái gì mà khóc, chưa chết mà khóc cái gì”, giọng của cha.
Nghe xong lời cha nói, Only ước gì mình chưa từng tỉnh lại, hoặc chí ít có thể chết đi ngay lúc này.
Only ngẫm nghĩ lại mọi thứ. Từ nhỏ tới lớn, lúc nào cô cũng làm theo lời cha dạy, sống theo cách mà cha muốn. Cô làm mọi thứ vì mong đợi của cha. Giờ thì hành động tự sát của cô đã đi ra khỏi khuôn khổ mà cha cô mong muốn. Và khi cô rời khỏi cái khuôn khổ đó, cha oán trách và quay lưng với cô. Kể cả khi cô đau khổ, muốn chấm dứt cuộc sống, cha vẫn không hiểu cho những cảm giác của cô mà chỉ đơn thuần quan tâm đến chuyện cô đã không ngoan ngoãn như thế nào. Only muốn nói cho cha biết những cảm xúc của mình. Nhưng Only không thể hình dung được là cha sẽ có phản ứng như thế nào, bởi vì trước đây cô chưa bao giờ nói với cha về suy nghĩ hay cảm xúc của mình. Liệu cha có ngồi nghe cô nói rõ ràng mọi thứ? Không, trong trí nhớ của Only, chưa bao giờ cô trông thấy mẹ cười và hài lòng mỗi lần nói chuyện rõ ràng với cha. Vẫn sẽ là mẹ có lỗi. Vẫn sẽ là Only có lỗi.
Only cảm thấy hơi thở của mình nặng nề hơn. Trở người, động đậy, hay thậm chí là mở mắt, Only cũng không có sức. Giờ đây cô chỉ muốn nằm im ở đó, không phải nghe, không phải thấy, không phải làm gì cả. Cô muốn nhắm mắt, thả trôi mọi thứ. Cô muốn ngủ một giấc, ngủ luôn thì càng tốt.
– “Con mình nó sắp chết tới nơi rồi kìa anh không thấy sao”, lần đầu tiên trong cuộc đời, Only thấy mẹ mình lớn tiếng với ba.
– “Nó muốn chết thì để cho nó chết. Thương tiếc gì cái ngữ con ấy. Báo cha báo mẹ. Cha mẹ bỏ bao nhiêu công sức, tiền của lo cho ăn học thì không chịu ăn học cho đàng hoàng mà lại đi làm cái chuyện ngu xuẩn”, cha hằn học.
Mẹ không nói gì nữa, chỉ còn những tiếng “hức hức” đầy uất ức.
Only cảm thấy thật buồn cười. Nếu cha đã nói như vậy, tại sao ngay từ đầu không để cô treo cổ chết đi, còn cứu cô làm gì?
– “Đúng là mẹ nào con nấy. Toàn làm những chuyện khiến người khác xấu hổ”, cha Only tiếp tục hằn học.
Mẹ Only càng nức nở hơn.
Không phải lần đầu tiên có cảm giác này nhưng Only thật sự cảm thấy mẹ mình rất nhu nhược. Only thấy cha nói đúng. Chẳng biết giống nhiều tới mức nào, nhưng có một thứ mà cô y hệt mẹ, đó là cô cũng nhu nhược. Mỗi lần bản thân nhu nhược, Only thấy giận cha, giận chính mình kinh khủng. Only đã đấu tranh, đã tự thúc đẩy bản thân, rằng mình phải nói lên suy nghĩ của mình, rằng không thể cứ mãi để cha chì chiết như vậy. Dẫu Only biết nói ra sẽ tốt hơn, nhưng những lần trước, nỗi sợ của cô quá lớn…Only không biết mẹ có trải qua cảm xúc tương tự mình hay không nữa.
Còn sau khoảnh khắc vừa rồi, Only biết rằng mình chẳng còn gì để mất. Cho dù cha có phản ứng thế nào, cô cũng không sợ nữa rồi.
– “Con và mẹ đã làm gì mà ba phải thấy xấu hổ?”
Cha mẹ Only ngạc nhiên. Ngay lập tức mẹ đã ôm cô vào lòng như thể sợ cô sẽ biến mất một lần nữa. Mẹ vẫn khóc nức nở.
Only ngồi dậy nhìn chằm chằm vào cha.
Có vẻ như cha của Only cũng đang không biết phải trả lời như thế nào, ông im lặng nhìn con gái.
– “Từ ngày lấy ba, có ngày nào mẹ làm trái lời ba chưa? Từ nhỏ tới giờ, lúc nào con cũng cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi như ba muốn đó thôi. Còn điều gì làm ba chưa hài lòng sao?”
– “Mày…”, cha Only đỏ mặt giận dữ.
– “Only, đừng nói như vậy con”, mẹ Only vừa ôm vừa vuốt lưng cô.
Nhưng Only vẫn tiếp tục nói, “Có phải chuyện con tự sát khiến cho ba cảm thấy xấu hổ lắm đúng không? Ba đâu có quan tâm con sống chết ra sao. Ba chỉ quan tâm mọi người nhìn vào sẽ nói gì thôi”.
Một cái tát giáng xuống mặt Only.
Không biết nữa, Only không cảm thấy đau.
Only ôm mặt, nhìn cha và tiếp tục nói, “Ba tức giận vì con nói quá đúng phải không?”
“Mày…mày…Đồ mất dạy!”, cha định đánh Only nhưng mẹ đã nhanh chóng ôm lấy ông để cản lại.
Only vẫn tiếp tục nói, “Ba có biết vì sao con tự sát không? À, ba định nói là do con học tập người này, học tập người nọ nên mới thế phải không?”
“Mày…”
“Ba đặt ra một hình mẫu về con gái của ba, một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ, thông minh, thành tích xuất sắc, người người ngưỡng mộ. Phải giống như hình mẫu đó thì mới là con gái của ba, còn lệch ra ngoài thì là không phải. Con đã phải mỗi ngày nỗ lực, làm mọi cách để ba thấy rằng con cũng là một đứa trẻ ngoan, hiền, chăm chỉ, thông minh, xuất sắc. Con cố gắng trở thành hình mẫu mà ba mong muốn để được ba yêu thương. Dạo gần đây, con phát hiện con vốn dĩ không phải đứa trẻ ngoan hiền, suốt ngày cắm mặt vào sách vở, ngày ngày quan tâm điểm số, ngày ngày canh xem có ai vượt qua mặt mình không. Con cũng nhận ra, nếu con thật sự là chính mình, làm điều con muốn làm thì chắc chắn ba sẽ xấu hổ, sẽ không coi con là con gái của ba và sẽ không yêu thương con nữa. Vậy nên, dù đau khổ, mệt mỏi, con vẫn cố gắng để làm người con mà ba mong muốn. Nhưng giờ thì con mệt rồi, con không còn sức để cố gắng nữa. Con đã không còn là chính mình. Con cảm thấy mình không có giá trị. Con biết ba sớm muộn cũng nhận ra sự bất ổn ở con. Con biết rằng khi đó ba sẽ xấu hổ và thà không có đứa con này. Ba biết không, con đã nhiều lần muốn tự sát, nhưng con sợ sẽ làm cho ba xấu hổ. Vì vậy con đã không dám chết. Nhưng khoảnh khắc mà ba nói “Có đứa con như vậy thì chết đi chứ sống làm gì cho xấu hổ”, thì con đã không còn sợ nữa rồi. Như câu của ba nói đó, sự sống của con sẽ còn làm ba xấu hổ hơn cả cái chết của con. Vậy nên con quyết định tự sát”, Only nói một cách rành mạch.
Cha mẹ Only lặng thinh. Dường như trong cuộc đời họ, đây là lần đầu tiên trông thấy con gái thẳng thắn bộc bạch tâm tư…
– “Con cảm thấy quá mệt mỏi để cố gắng trở thành người như ba mong đợi rồi. Con thật sự… không có đủ khả năng để tiếp tục nữa. Tại sao ba mẹ lại…không để con chết đi chứ…”, giọng Only bắt đầu đứt quãng.
Mẹ Only vừa ôm cô vừa khóc nức nở.
– “Ngoài kia có bao nhiêu đứa trẻ không cha không mẹ, khao khát được như mày mà không được. Còn mày có cha có mẹ, được chăm lo đầy đủ, chỉ việc ăn với học. Mới đặt một chút hy vọng ở mày mà mày đã nói như thể ba mẹ đày đọa mày lắm, rồi còn đòi tự sát. Tao không có đứa con gái như mày. Nhắm chết được thì chết đi, đừng có hù dọa.”, vừa dứt lời, cha Only liền bỏ ra khỏi phòng.
Phản ứng của cha không khác gì với dự đoán, nhưng sao Only vẫn cảm thấy đau lòng và bất lực. Cô hoàn toàn chết lặng…
Mắc bệnh nan y, không còn vận động bình thường, bị giày vò bởi rối loạn tâm lý, khó khăn trong tài chính, vấn đề trong các mối quan hệ, trải qua sang chấn cuộc đời…đều có khả năng khiến chúng ta buông bỏ cuộc sống, tìm đến cái chết để giải thoát. Và khả năng ấy sẽ càng cao hơn khi chúng ta hoặc/và gia đình có tiền sử tự sát. Tất cả những yếu tố dẫn một người đến với tự sát ấy gọi là yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh những yếu tố nguy cơ là những yếu tố bảo vệ. Đó là nguồn lực xã hội như gia đình, bạn bè, người yêu. Đó là những thuận lợi, sự hỗ trợ trong cuộc sống. Đó là niềm tin vào tôn giáo. Đó là chúng ta được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần và có được kỹ năng giải quyết các vấn đề. Những yếu tố này ngăn chúng ta đi đến tự sát.
Khi biến cố xảy ra, yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ cân bằng với nhau thì chúng ta sẽ vượt qua. Khi yếu tố nguy cơ nhiều hơn hoặc/và mạnh hơn yếu tố bảo vệ, thì chúng ta sẽ khó đối phó với biến cố và có khả năng tự sát.
————————————————————-
Chúng ta hãy cùng nhìn nhận câu chuyện của Only – một cô gái có nhiều yếu tố nguy cơ hơn yếu tố bảo vệ. Only mắc rối loạn trầm cảm, khó khăn trong mối quan hệ với cha mẹ, có tiền sử tự sát. Only không có được nguồn lực xã hội như gia đình. Dạo gần đây, cô cũng thiếu hụt những thuận lợi trong cuộc sống. Cô không có tín ngưỡng. Tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng không có, kỹ năng giải quyết khi biến cố xảy ra lại càng không. Những yếu tố bảo vệ của cô biến thành yếu tố nguy cơ. Và khi cô nhận ra mình là nỗi xấu hổ của gia đình, nhận ra mình không còn là mình, cô đã tự sát.
Ai cũng biết yếu tố bảo vệ nhiều hơn yếu tố nguy cơ thì sẽ vượt qua được biến cố. Vậy những yếu tố bảo vệ từ đâu mà có? Chúng sẽ đến từ gia đình, bạn bè, những mối quan hệ; đến từ tín ngưỡng mà chúng ta tin theo; đến từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Mối quan hệ chất lượng với gia đình như một chỗ dựa để ta thoát khỏi những căng thẳng. Mối quan hệ chất lượng này được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương, sự quan tâm tích cực vô điều kiện và sự thấu cảm giữa các thành viên. Các thành viên giao tiếp cởi mở với nhau; hỗ trợ nhau mỗi khi cần; đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông; yêu thương một người vì người đó là chính họ; và sẽ không phải là con ngoan thì ba mẹ mới thương, mà là dù con như thế nào thì ba mẹ vẫn yêu thương con. Từ tình yêu thương, quan tâm tích cực vô điều kiện, cả sự thấu cảm sẽ giúp cho mỗi cá nhân của gia đình hòa hợp trong chính khái niệm bản thân. Khi có được sự hòa hợp ấy, cá nhân sẽ cảm thấy tích cực về chính mình. Cùng với chỗ dựa vững chắc là gia đình, và cảm nhận tích cực về bản thân, cá nhân sẽ dễ dàng vượt qua những biến cố trong cuộc sống.
Ngoài gia đình, các mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ lứa đôi cũng ảnh hưởng nhiều đến sự hòa hợp trong khái niệm bản thân, đến cảm nhận của mỗi người về chính mình. Do đó, có được mối quan hệ sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, lắng nghe, thấu cảm, quan tâm, chân thành và tin tưởng sẽ góp phần làm tăng sức mạnh của yếu tố bảo vệ.
Vậy sẽ như thế nào nếu chúng ta không có được mối quan hệ chất lượng với gia đình, với bạn bè, với mọi người xung quanh? Sẽ ra sao nếu chúng ta không có niềm tin với tôn giáo nào? Sẽ thế nào nếu chúng ta không biết đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe?… Nếu không có những yếu tố này thì chúng ta sẽ tự sát hay sao? Con người có bị động như vậy? Chúng ta sẽ cùng bàn luận điều này ở kỳ sau.
Gửi những thế giới vỡ nát đã và đang đi cùng mình…Mong rằng những bài viết về “Tự sát” vừa qua có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản thân, biết rằng những ý nghĩ, những cảm xúc của mình là hợp lý, là có nguyên nhân. Đặc biệt là biết rằng ở đâu đó vẫn có người thấu hiểu cho cảm xúc của các bạn, để từ đó không cảm thấy cô đơn. Nếu có nhen nhóm lên đôi chút động lực, đôi chút hy vọng thì tốt quá. Và vẫn là câu nói cũ thôi, mong rằng các bạn của mình vẫn luôn nhớ, “Dù chẳng còn điều gì có thể giữ bạn lại với cuộc đời, thì bạn vẫn còn có bạn” (Vo, N.H., 2020).
Yêu thương.
Tài liệu tham khảo
- Barnes, D. H. (2010). Truth About Suicide (1st ed.). Facts on File, Inc.
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Thuyết Nhân vị trọng tâm. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.
- Vo, N. H (2020). Môn Kỹ năng tham vấn. Bài Can thiệp tự sát. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.