Tớ là một người mang nhiều mâu thuẫn.
Với rất nhiều danh hiệu tớ đạt được, vẫn có thứ gì đó ngăn cản tớ tự hào.
Kết quả có như thế nào, tốt hay xấu, thì tớ vẫn nghĩ “Đáng ra mình cần phải làm tốt hơn”.
Tớ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, tớ phải trở nên kiệt sức, phải làm một thứ gì đó cho đến khi tâm trí và cơ thể rối loạn. Có như vậy tớ mới cảm thấy an toàn và xứng đáng.
Đến khi tớ bắt đầu mệt mỏi vì những điều cứ lặp đi lặp lại, tớ nhận ra tớ chưa từng thực sự hạnh phúc sau bao nhiêu cố gắng của mình.
Tớ tức giận vì sự mâu thuẫn đang mang. Điều đó càng khiến tớ đau khổ.
Đến khi tớ biết rằng, có vẻ, tớ đã bỏ quên những nhu cầu của chính Đứa Trẻ Bên Trong mình, tớ đã có thể nhìn thấy tớ dễ tổn thương như thế nào.
Đứa Trẻ Bên Trong là một hình ảnh, khái niệm đã được sử dụng từ rất lâu trong lĩnh vực sức khỏe tâm trí nói chung và Tâm lý học nói riêng. Carl G. Jung gọi khái niệm này là Đứa Trẻ Thần Thánh (Divine Child), Winnicott, Miller gọi đây là Cái Tôi Chân Chính (True Self), Horney và Matterson đưa ra tên gọi Cái Tôi Đích thực.
Các Tâm lý gia đã nhắc đến khái niệm “Đứa Trẻ Bên Trong” như cái tôi đích thực, con người thực sự của chúng ta. Đó là phần tâm hồn vô cùng sôi nổi, đầy năng lượng, sáng tạo và mãn nguyện.
Điều gì đã thôi thúc tớ kết nối lại với Đứa Trẻ Bên Trong mình?
Một cách nào đó, hầu hết chúng ta đều từ chối Đứa Trẻ Nội Tâm của mình. Sự phủ nhận đó có thể đến từ cách nuôi nấng của gia đình, môi trường, xã hội, văn hóa và nhiều điều khác. Trong tất cả những yếu tố, điều trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta trong kết nối với con người thật của mình chính là các mối quan hệ đầu đời – những người nuôi dưỡng. Không phải ai cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc lạm dụng, nhưng ngay từ những chi tiết nhỏ trong các mối quan hệ đầu đời, người nuôi dưỡng thường lỡ hụt những nhu cầu của trẻ, hoặc bằng một cách rất tinh vi, lấy trẻ để thỏa mãn nhu cầu chưa đạt được của bản thân mình. Theo Whitfields (1987), một trong những nguyên nhân khiến cho người nuôi dưỡng khó có thể đáp ứng đầy đủ những nhu cầu để trẻ lớn lên an toàn và hạnh phúc là người lớn cũng bị lỡ hụt, có những nhu cầu không được đáp ứng. Do vậy, người lớn đã “mượn” những người khác để thỏa mãn những nhu cầu của mình theo cách không lành mạnh mà chính họ cũng không ý thức được điều này. Cách thức này được truyền thừa và lặp lại qua từng thế hệ. Từ đó, các khó khăn tâm lý cứ tồn tại từ gia đình qua gia đình, từ “cuộc đời” sang “cuộc đời”.
Khi sự từ chối chính mình xảy ra, Đứa Trẻ Bên Trong không được nuôi dưỡng hay tự do bộc lộ, cái tôi sai lệch, giả tạo, lụy thuộc xuất hiện và trở thành thứ nắm quyền quyết định để giữ cho con người ta, tạm thời, ít bị tổn thương bởi môi trường xung quanh. Để ít bị tổn thương hơn, cái tôi sai lệch tạo ra khoảng cách với Đứa Trẻ Bên Trong bằng các nhận định như: “Tớ phải cố gắng hơn nữa vì cha mẹ đã hy sinh cho tớ rất nhiều”.
Ước tính có khoảng 5 – 20% dân số thế giới được chăm sóc, được yêu thương. Vậy 80 – 90% người trưởng thành đã không nhận đủ yêu thương để có thể được là chính mình. Không được là chính mình như một cách bảo vệ ta khỏi sự tổn thương nhưng cũng là yếu tố khiến con người “sống với góc nhìn của nạn nhân và gặp rắc rối trong việc bước qua những sang chấn cảm xúc. Hệ quả của những mắc kẹt cảm xúc và tinh thần trong quá khứ là những cơn lo âu, sợ hãi, rối loạn, trống rỗng, sự kém hạnh phúc kéo dài” (Charles Whitfield, 1896). Cứ như vậy, con người mất cân bằng và cảm thấy như thể mình đang không sống. Đó là điều gây hại đến bản thân và cả các mối quan hệ xung quanh.
Trong “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn”, tác giả đề xuất danh sách một số đặc điểm của Đứa Trẻ Bên Trong và cái tôi giả, mình xin được liệt kê lại một số đặc điểm giúp mọi người hình dung rõ hơn về cả hai khái niệm này.
Đứa Trẻ Bên Trong – cái tôi đích thực:
– Trung thực, chân thực
– Tự nhiên
– Yêu thương
– Vị tha, giàu tính kết nối
– Chấp nhận chính mình và người khác
– Yêu thương vô điều kiện
– Cần được chơi đùa và tìm kiếm niềm vui
– Dễ tổn thương
– Dễ tin tưởng
– Tự do phát triển
– Tin vào trực giác
Cái tôi giả – cái tôi lụy thuộc:
– Thiếu chân thật
– Lụy thuộc
– Không chân thực
– Mặt nạ
– Chủ nghĩa hoàn hảo
– Tỏ ra mạnh mẽ
– Cảm thấy bị cô lập
– Lý trí
– Lảng tránh tận hưởng cuộc sống và niềm vui
– Thiếu tin tưởng
– Lặp đi lặp lại những khuôn mẫu gây tổn thương
Đứa Trẻ Bên Trong và cái tôi giả đều là những phần của con người chúng ta. Một khoảng thời gian nào đó chúng ta vô tình mất kết nối với Đứa Trẻ Bên Trong mình không có nghĩa mãi mãi chúng ta sẽ không hạnh phúc. Cái tôi giả cũng có ý nghĩa riêng của nó, để tồn tại và bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương. Với năng lực là một đứa trẻ, đó lại là một bức tường thành chắc chắn đối với những tổn thương từ bên ngoài.
Trong những bài viết sắp tới, Nơi Bóc Hành sẽ cung cấp cho mọi người một cái nhìn về cách cái tôi giả hình thành, cách chúng ta sử dụng nó, cách chấp nhận cả hai cái tôi và cách kết nối lại với Đứa Trẻ Bên Trong mình. Mình không nghĩ đây sẽ là một hành trình đầy ngọt ngào và dễ chịu. Nhưng mình biết, để hạnh phúc thì nhiều khi khóe mắt phải cay. Nơi Bóc Hành có thể sẽ khiến mắt bạn cay, nhưng đừng lo, vì bạn không hề cô đơn trên hành trình này.