Storytelling:
Only bước ra khỏi thang máy, đi dần dần về phía lớp một cách chậm rãi. Cô vừa đi vừa nhìn vào cửa sổ, và rồi cô nhìn thấy một dáng người quen thuộc đang cặm cụi ghi ghi chép chép. Một hình ảnh cũng hết sức quen thuộc. Đó là Special, cô bạn trầm lặng, thích màu đen, thích đọc sách, ngồi bên cạnh Only. Special rất tốt với Only và Only cũng tin rằng mình quý mến bạn. Ở Special có điều gì đó rất đặc biệt mà Only không thể nào diễn tả bằng lời, nhưng cảm giác của Only mỗi lần trông thấy Special đó là sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh và rất bình an.
Đó là lý do mà những ngày đầu Only quyết định ngồi cạnh Special – một người không có gì nổi bật trong lớp. Dạo gần đây thì Only không còn cảm thấy điềm tĩnh và bình an khi ở cạnh Special nữa, thay vào đó là cô thấy mệt mỏi, áp lực và lo lắng.
Only ngồi xuống chỗ của mình. Only không muốn chào Special lắm, nhưng cô vẫn đang cân nhắc xem nên chào hay không. Trong lúc Only còn đang suy nghĩ thì Special đã quay sang và mỉm cười: “Hello Only”. Rồi Special lại cắm cúi vào xấp ghi chép của mình.
Only thấy nhẹ nhõm vì không cần phải đắn đo nữa, cô cũng “Hello Special”. Only nhìn thấy Special đang viết gì đó có vẻ không giống như bài học lắm. Only định mở vở ra ôn lại bài nhưng rồi vì lý do gì đó, Only quyết định không ôn.
Only chợt hỏi: “Cậu ôn bài xong hết chưa”
Special ngẩng đầu lên nhìn Only: “Mình ôn xong hết rồi”
Only cảm thấy không vui lắm với câu trả lời này, nhưng cũng đáp lại: “Cậu chăm chỉ quá”.
Special quay sang cười tươi: “Only cũng chăm chỉ chứ bộ”.
Only phản ứng lại ngay lập tức: “Mình không phải người chăm chỉ”.
Special trông rất ngạc nhiên: “Ai nói chứ? Only là người chăm chỉ mình từng biết đó”.
Only quay đi và nói thật nhỏ: “Mình không thích là người chăm chỉ”.
Special nhìn Only và không nói gì nữa. Cô bạn chỉ cười mỉm và tiếp tục với việc ghi chép.
Khoảnh khắc đó Only đã biết là mình vừa lỡ lời. Special rất nhạy bén, và Only biết rằng khi nói ra câu đó, đồng nghĩa với chuyện Special sẽ đoán được vì sao cô lại nói như vậy. Thật giống như bị ai đó nắm thóp. Cảm giác không hề dễ chịu chút nào.
Only muốn mình là người thông minh, Only không muốn mình là người siêng năng. Cô cho rằng chuyện mọi người nói mình chăm chỉ chẳng khác nào đang nói cô không thông minh. Cô cảm thấy mình bị phủ nhận, cô cảm thấy mình không được tôn trọng. Mỗi lần như vậy, cô tự nghĩ, “Liệu có phải mình không thông minh thật?”, “Liệu có phải mình quá yếu kém nên mọi người mới nói như thế?”, “Phải chăng mình có được những điều này chỉ là do siêng năng?”… Cô không dám đem những câu hỏi đó bộc bạch với một ai. Và vì vậy, chúng vẫn chỉ là những câu hỏi không lời giải đáp. Khi không có lời giải đáp, Only dần nghi ngờ và dần tin rằng, có lẽ mình không thông minh, có lẽ mình yếu kém thật. Kể cả cô nghĩ như vậy, thì cô vẫn muốn mình là người thông minh. Chuyện muốn thông minh nhưng không thông minh, nỗ lực để được trở thành người thông minh nhưng lại chỉ được cho là người chăm chỉ khiến cô thấy bất lực, thấy đau khổ, thấy mệt mỏi. Đó là lý do cô khó chịu mỗi khi ai đó nói cô siêng năng.
Cô chợt nghĩ: “Chắc hôm nay sẽ tệ lắm đây”.
Rồi thì khoảnh khắc làm bài kiểm tra cũng đến. Cảm giác lo lắng, suy nghĩ “Mình sẽ không làm bài tốt” cứ đeo bám cô từ lúc thức dậy, lúc đi xe cho đến ngay lúc này.
Trong đầu cô lại hiện lên suy nghĩ: “Có cách nào để biến mất ngay lập tức không nhỉ?”.
Cô nhận ra mình không có cách nào khác ngoài phải đối diện với bài kiểm tra ấy cả. Những cảm giác, suy nghĩ ấy tiếp tục đeo bám cô trong lúc làm kiểm tra rồi cho đến khi công bố kết quả. Cô bỗng nhiên căm ghét thời đại công nghệ 4.0 kinh khủng. Tại nó mà cô không thể chấm dứt sự sợ hãi để về nhà, phải tiếp tục sợ cho tới lúc biết điểm. Và cách biết điểm cũng thật khiến cô bối rối, là đại học rồi nhưng vẫn bị đọc điểm công khai trước lớp. Một lần nữa, cô khao khát được biến mất ngay lập tức.
Những cái tên đầu tiên, những con điểm đầu tiên, lần lượt vang lên. Lúc này Only có thể nghe thấy tim mình đập mạnh như thế nào. Có bắt đầu đổ mồ hôi tay và có những động tác như cạy khóe móng.
Cô tự trấn an mình là chuyện gì đến cũng sẽ đến thôi. Và đến tên cô thật.
Mọi người bắt đầu “Ồ” lên chúc mừng Only. Only thở phào nhẹ nhõm, được 9 điểm, cô cảm thấy rất vui. Nhưng Only cũng có chút lo lắng, bởi vì vẫn chưa tới tên Special. Rồi thì cô nghe thấy con số 9.5, cô cũng nghe mọi người “Ồ” to hơn cả ban nãy. Là Special được 9.5 điểm. Nụ cười của Only biến mất.
Đằng sau có người nói với Special: “Ăn gì mà giỏi dữ vậy?”.
Only thực sự muốn khóc. Nước mắt trực trào và bắt đầu có những suy nghĩ len lỏi trong tâm trí:
“Special điểm cao hơn mình”
“Special cao điểm nhất lớp”
“Special được mọi người ngưỡng mộ”
“Mọi người đang nghĩ mình là đứa thất bại”
“Nhưng mình đúng thật là một đứa thất bại. Có cố gắng cách mấy cũng không vượt qua được Special”
“Người ta không cần cố gắng cũng có thể điểm cao nhất lớp, còn mình học tới 3h sáng cũng chỉ đứng hạng hai”
“Rốt cuộc là vì lý do gì?”
“Thật mệt mỏi”
“Chắc Special đang hả hê lắm vì cao điểm hơn mình”
“Có chuyện gì mờ ám diễn ra mà mình không biết không nhỉ? Hay là Special ôn trúng tủ?”
“Nếu không có Special thì mình đã…”
“Khoan đã, không được có suy nghĩ như vậy. Special là bạn mình!”
“Phải làm sao để thoát khỏi cảm giác tồi tệ này đây?”
Only không biết phải làm gì cả, cô khó chịu đến phát điên và không thể tin rằng mình lại có thể có những suy nghĩ như thế này. Cô cảm thấy mình không là chính mình nữa rồi.
Only nén nước mắt, quay sang nhìn Special: “Cậu chăm chỉ thật đó. Chăm chỉ quá hèn gì điểm cao”.
Special: “Cảm ơn Only nha”
Cách trả lời của Special làm Only càng thêm tức giận. Cô bắt đầu thể hiện cảm xúc ra bên ngoài.
Only: “Cậu không thấy khó chịu khi mình liên tục nói cậu chăm chỉ sao?”
Special hỏi ngược lại Only: “Không, vì mình là như vậy mà”.
Only: “Khi nói điều đó là mình đang phủ nhận năng lực của cậu đó”
Special: “Only đã từng nghe câu: Người cảm thấy tốt về chính mình thì cũng sẽ tạo ra kết quả tốt chưa?”
Only: “Vậy nếu một lúc nào đó cậu tạo ra kết quả không tốt như bị điểm thấp thì sao? Với lại cảm thấy tốt về chính mình nghe giống như chấp nhận phó mặc cho số phận vậy ấy”.
Special: “Đạt điểm thấp không có nghĩa đó là một kết quả tệ đối với mình. Và cảm thấy tốt về chính mình cũng không có nghĩa là ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân á”.
Only lặng im.
Có đôi khi chúng ta tự cảm thấy rằng, mình không còn là mình nữa, dẫu chúng ta cũng không biết mình thực sự là ai, là người thế nào. Only cũng vậy, cô cũng không biết tại sao, chỉ đơn giản là trước những sự kiện và những cảm xúc ấy, cô thấy mình đã không còn là mình nữa. Thế thì điều gì đã khiến chúng ta và Only nhận ra điều đó nhỉ?
Kỳ trước chúng ta đã cùng nhau nói về hai thành tố của khái niệm bản thân (Self – Concept) là hình ảnh bản thâwn (Self – Image) và bản thân lý tưởng (Ideal – Self). Hai thành tố này có thể hòa hợp (Congruence), cũng có thể không hòa hợp (Incongruence). Và sự không hòa hợp giữa chúng chính là cái gây cho ta khó chịu, khiến ta cảm thấy mình không còn là chính mình nữa.
Hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng hòa hợp là khi chúng khớp nhau. Nói cách khác, đó là khi người chúng ta muốn trở thành cũng là con người mà chúng ta nhìn về mình. Giống như Special, một cô bạn tự hào với việc mình là người chăm chỉ. Special tin rằng mình chăm chỉ và Special cũng muốn trở thành người chăm chỉ.
Còn hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng không hòa hợp là khi hai thành tố này khác xa nhau. Người chúng ta muốn trở thành không giống như con người mà chúng ta thấy ở chính mình. Như Only, cô muốn trở thành một người thông minh, người đứng đầu nhưng những gì cô nhìn thấy ở chính mình là thất bại, là yếu kém, là không có năng lực.
Và chúng ta không chỉ cảm thấy đánh mất chính mình bởi sự thiếu hòa hợp bên trong khái niệm bản thân, mà còn bởi sự thiếu hòa hợp giữa khái niệm bản thân với những trải nghiệm thực tế.
Only của chúng ta muốn được đứng đầu, muốn được công nhận năng lực, nhưng trải nghiệm thực tế là cô thấp điểm hơn Special, cô đứng hạng hai, và cô thấy mọi người chỉ công nhận Special giỏi. Only của chúng ta muốn là người thông minh, nhưng thực tế thì mọi người luôn nói cô chăm chỉ. Only của chúng ta tin rằng cô cũng quý mến Special, nhưng khi Special đạt điểm cao hơn, được mọi người chú ý hơn, cô lại nghĩ xấu về Special. Tất cả những điều đó là minh chứng cho thấy Only của chúng ta có những trải nghiệm thực tế không phù hợp với khái niệm bản thân cô.
Thế còn Special, Special biết và tin mình là một người chăm chỉ. Mọi người cũng thừa nhận sự chăm chỉ ở cô. Đó chính là sự hòa hợp giữa khái niệm bản thân và trải nghiệm thực tế.
Khi sự không hòa hợp diễn ra trong chính khái niệm bản thân của chúng ta, hay xảy ra giữa khái niệm bản thân với trải nghiệm thực tế, thì cũng đều gây cho chúng ta những sự khó khăn về mặt tâm lý và cả sự lo lắng. Có thể giống như Only, chúng ta sẽ bị chiếm đóng bởi những suy nghĩ tiêu cực không biết từ đâu ra. Mặc cho bị đánh đuổi, chúng vẫn kiên trì ở đó. Chúng ta chỉ có thể không ngừng đấu tranh cùng chúng để cân bằng trở lại. Mỗi lần một sự kiện không phù hợp xảy đến là những cuộc chiến như thế lại diễn ra trong tâm trí, chúng quanh đi quẩn lại, giằng xé trong tâm trí làm cho chúng ta mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc. Vậy thì liệu chúng ta có bỏ cuộc hay không? Tiếp theo Only sẽ làm thế nào?
Có thể sau khi nói chuyện với Special, Only sẽ bắt đầu có cho mình những câu hỏi để nhìn nhận bản thân, cũng có thể Only sẽ hoàn toàn bỏ qua cuộc trò chuyện ấy và tiếp tục chìm đắm trong cuộc chiến của tâm trí. Dù tiếp theo Only có làm gì đi chăng nữa, thì vẫn có một sự thật luôn không thay đổi. Đó là bản thân mỗi người chính là nguồn lực vô hạn dành cho chính họ.
Thực ra Special không phải là một cô gái có hình ảnh bản thân với bản thân lý tưởng vốn dĩ hòa hợp. Special cũng từng như Only, cũng đã trải qua một hành trình “bóc hành” gian nan, khổ ải, đẫm nước mắt. Trước đây cô cũng nhìn nhận mình là một người yếu kém, không có năng lực, cô muốn được công nhận nhưng chẳng ai công nhận cô. Cô cũng đau khổ, cũng suy sụp. Chỉ là Special không từ bỏ, Special có niềm tin rằng mình sẽ sớm thoát khỏi tình cảnh này. Special đã nỗ lực bằng mọi cách, cũng rơi thật nhiều nước mắt, thế nhưng giờ đây cô đã có thể kéo hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng về lại với nhau và chấp nhận bản thân như mình vốn dĩ là. Special là minh chứng câu nói “Bản thân mỗi người chính là nguồn lực vô hạn dành cho chính họ”.
Giống như Special đã nói: “People who feel good about themselves produce good results”, Kenneth Blanchard (Tạm dịch: Người cảm thấy tốt về chính mình thì cũng sẽ tạo ra kết quả tốt), mình hy vọng có thể truyền thêm chút dũng khí và động lực cho những người bạn đã và đang đi cùng mình trên hành trình “bóc hành” này, dẫu mọi người có sẵn sàng hay chưa. Nếu có một lúc nào đó cảm thấy bất lực với cuộc đời, bất lực với những trải nghiệm không như ý cứ xảy đến làm mình muốn bỏ cuộc trên hành trình kéo hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng về lại với nhau, mong các bạn của mình có thể nhớ đến câu nói: Chúng ta không thay đổi được thế giới, nhưng chúng ta thay đổi được chính mình.
Cảm ơn và yêu thương thật nhiều ❤.
Tài liệu tham khảo:
- Schultz, D. P. (2008). Theories of Personality (9th Edition). Wadsworth Publishing.
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Thuyết Nhân vị trọng tâm. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.