Món Quà Của Tự Yêu Thương

(Bài viết này có thể khiến bạn không thoải mái)

Nhắc đến chủ đề tự yêu thương, có người sẽ rất hứng thú, rất tò mò vì họ cũng đang trên con đường tìm hiểu và yêu lấy chính mình. Có người thấy kháng cự, không mấy mặn mà hoặc đôi chút dị ứng. Cũng có người thấy tự yêu thương thật là ích kỉ, tự yêu thương nghĩa là không cần tình yêu. Hôm nay mình chỉ xin lạm bàn một chút về món quà mà tự yêu thương mang lại, rồi nhân tiện thanh minh cho “tự yêu thương” một chút, rằng nó không gắn liền với việc chỉ cần bản thân hay là sự ích kỉ.

Mình muốn giải thích một chút về khái niệm “tự yêu thương” (Self-love). Nó là sự cân nhắc và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cá nhân, cho phép những suy nghĩ diễn ra mà không phán xét. Người tự yêu thương là người cảm nhận tốt về chính mình, tin rằng mình tốt, có giá trị và xứng đáng được yêu thương, được hạnh phúc (Malik, 2021). Định nghĩa Malik mang lại, đã hàm ẩn một ‎ý tứ sâu xa, rằng yêu thương chính mình có liên hệ mật thiết với những mối quan hệ giữa ta và mọi người xung quanh.

Khi tin rằng mình có giá trị, mình xứng đáng được hạnh phúc, xứng đáng được yêu thương thì chúng ta sẽ cho phép mình kết nối. Trong những kết nối đó, mình không chỉ cảm nhận tốt về mình, mà còn cảm nhận tốt về người bạn, người thương hay nói chung là người mà ta đang kết nối. Chúng ta có thể tránh được những ý nghĩ như “mình không có giá trị”, “mình không được yêu thương”. Ta là chính mình. Nhưng lỡ như mối quan hệ đổ vỡ? Sẽ không sao cả nếu chúng ta biết tự yêu thương. Chúng ta có thể quay trở về với chính mình, có thể buồn đau nhưng chúng ta vẫn tin rằng mình xứng đáng và sẽ được yêu thương. Rồi một ngày đẹp trời, chúng ta lại cho phép mình kết nối với những người phù hợp. Nhưng nếu không có sự tự yêu thương, một khi mối quan hệ đổ vỡ, ta sẽ tự đổ lỗi, tin rằng mình không có giá trị, tin rằng không có ai yêu thương mình, và ta sẽ hoàn toàn thu rút.

Tự yêu thương là đặc điểm của một người gắn bó an toàn. Chúng ta sẵn sàng kết nối với mọi người, nhưng khi không có người thích hợp thì ta vẫn có thể tự mình vui vẻ. Sẽ rất vui nếu chúng ta có những người bạn, nhưng cũng sẽ ổn thôi nếu chúng ta chỉ có một mình. Ta cho phép sự dấn thân, nhưng không đồng nghĩa với sự lệ thuộc.

Tự yêu thương như chủ nhân của một ngôi nhà, biết mình có nhiều điều giá trị, sẵn sàng mở lòng với những vị khách đáng mến nhưng cũng sẵn sàng khóa cửa với những kẻ lăm le đe dọa.

Vậy nên tự yêu thương không phải là không cần người khác hay ích kỉ. Tự yêu thương chỉ là chúng ta biết trân trọng chính mình, để từ đó yêu thương người khác đúng đắn hơn.
Chỉ là tự yêu thương không hề dễ dàng. Mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng, được tiếp xúc và hình thành hình ảnh về bản thân thông qua sự nhìn nhận của người khác. Nếu là những trải nghiệm đẹp thì may quá. Còn nếu ai đó trong chúng ta đã chịu những sự chỉ trích, sự bỏ rơi hay những nghịch cảnh, thì khó mà có cái nhìn tốt đẹp về chính mình, huống chi là tự yêu thương. Bessel Van Der Kolk từng viết, “Nếu bạn lớn lên mà không có ai chào đón bạn và bạn bị bỏ rơi thì quả là một thách thức lớn để bạn có được sự tự ‎ý thức từ bên trong và hiểu giá trị của bản thân”. Cũng như, “Một đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc bị làm nhục liên tục có thể trở thành người thiếu tự trọng. Một đứa trẻ không được khẳng định mình thì lớn lên nó sẽ khó có thể tự bảo vệ mình”. Hoặc giả như mọi thứ không chỉ bắt nguồn từ thời thơ ấu, mà còn lặp đi lặp lại ở hiện tại, thì mình có thể hình dung mọi thứ sẽ tệ ra sao. Nó như một vòng lặp, rồi chúng ta quẩn quanh với ‎ý nghĩ, có lẽ mình không nên sinh ra trên đời này, có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ được yêu thương…

Nhưng không ai sinh ra trên đời mà không xứng đáng được yêu thương cả. Chúng ta đặc biệt vì những trải nghiệm của mình. Chúng ta tiềm ẩn một khả năng nào đó. Đặc biệt là, dù chúng ta có cảm nhận không tốt về bản thân ra sao, thì đó cũng là một chiến lược mà chúng ta tạo ra để có thể sinh tồn – một chiến lược giúp chúng ta tồn tại trong nhiều năm nhưng với sự đau khổ, và đã đến lúc chúng ta tìm một chiến lược mới để trở nên hạnh phúc hơn – chính là tự yêu thương và dành cho chính mình sự trắc ẩn.

Tự yêu thương là một hành trình dài, không chỉ dài mà còn đầy khó khăn. Chúng ta vẫn có thể yêu người, thương người, kết nối cùng người mà không cần tình yêu cho bản thân. Hoàn toàn có thể. Nhưng nó tiềm ẩn mối nguy cơ khiến chúng ta rơi vào vòng lặp khổ sở mỗi khi trải nghiệm một mối quan hệ không lành mạnh. Chỉ khi khác đi, chỉ khi yêu thương chính mình, thì vòng lặp ấy mới có thể cắt đứt.

Mình có nghe nói một câu rất hay, “Khi mình tự yêu thương mình, thế giới bỗng yêu thương mình hơn”. Mình quên mất câu nói này ở đâu rồi, nhưng mình thấy nó đúng. Khi mình biết tự yêu thương, những mối quan hệ xung quanh bỗng trở nên lành mạnh, tươi sáng, những người yêu thương mình dần xuất hiện. Vì vậy mà cảm thấy thế giới trân trọng mình hơn.

Dù rằng hành trình yêu thương bản thân không hề dễ dàng, cũng không hề bằng phẳng, nhưng mình tin nó sẽ dành tặng chúng ta quả ngọt. Hy vọng một chút tâm tình có thể giúp các bạn của mình chạm gần tới hành trình tự yêu thương hơn ❤.

Tài liệu tham khảo:
Malik, A. (2021). Coming Home to Self: Finding Self-Compassion and Self-Love in Psychotherapy. International Handbook of Love: Transcultural and Transdisciplinary Perspectives, 503.

0 Shares:
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like