Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) là một rối loạn tâm lý không phổ biến, bắt gặp ở khoảng 2% số dân trên thế giới và ảnh hưởng không chỉ đối với người mắc mà còn những người thân xung quanh. DPD là một trong số 1o loại rối loạn nhân cách được chẩn đoán hiện nay và DPD thuộc nhóm C (lo âu, sợ hãi).
Những người có DPD luôn cảm thấy lo lắng về mọi thứ xung quanh và thường dựa dẫm vào sự chăm sóc, che chở của người khác cả về thể chất lẫn tinh thần.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là một kiểu hành vi cần được chăm sóc, phục tùng và đeo bám. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hàng ngày nếu không có sự trấn an của người khác, họ có thể cảm thấy khó chịu hoặc bất lực khi ở một mình vì sợ không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Rối loạn này thường khởi phát từ tuổi ấu thơ cho đến giai đoạn trưởng thành nhưng sẽ có biểu hiện rõ nét ở tuổi dậy thì và hình thành nhân cách cố định về sau (thường là 18 tuổi).
Trong thực tế, trong mỗi chúng ta đôi lúc phải cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác, tuy nhiên người có DPD luôn trong trạng thái bất an, lo lắng nếu không có sự đồng hành của người khác. Họ cảm thấy mình là người vô dụng và không thể tự chủ làm bất cứ điều gì, do đó họ thường thoái thác trách nhiệm bản thân, mất khả năng đưa ra yêu cầu và phụ thuộc vào quyết định của người khác.
Người có DPD luôn ở vị trí thụ động trong các mối quan hệ, họ nhạy cảm với những lời chỉ trích và tránh việc không đồng ý với người khác vì sợ họ sẽ mất đi sự ủng hộ. Ngay cả khi bị người chăm sóc ngược đãi, sự phụ thuộc vẫn tồn tại trong mối quan hệ. Khi mối quan hệ kết thúc, cá nhân phụ thuộc ngay lập tức và khẩn trương tìm kiếm người thay thế.
Một điều cần lưu ý là chỉ khi những đặc trưng tính cách bị phụ thuộc này trở nên kém linh hoạt hay có khả năng làm suy yếu đi đáng kể các chức năng sống và làm cho họ cảm thấy đau khổ thì mới được xác định là rối loạn.
Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Theo DSM – 5, DPD luôn có nhu cầu cần được quan tâm quá mức dẫn đến hành vi phục tùng, đeo bám và nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc chia tách. DPD Bắt đầu từ tuổi mới trưởng thành, hiện diện trong nhiều bối cảnh bởi 5 hoặc nhiều hơn những điều sau đây:
- Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định hàng ngày nếu như không có lời khuyên hoặc đảm bảo từ người khác.
- Không tự chịu trách nhiệm cá nhân mà cần người khác gánh vác thay mình.
- Khó khăn trong việc thể hiện sự bất đồng người khác vì sợ phật ý.
Lưu ý: Không bao gồm nỗi sợ thực tế hoặc trả thù. - Mất nhiều thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ
- Gặp khó khăn khi tự làm gì đó (vì thiếu tự tin vào khả năng phán đoán hoặc khả năng hơn là thiếu động lực hoặc năng cá nhân đó không thích.
- Cảm thấy bất lực, khó chịu khi ở nhà một mình vì nỗi sợ thái quá về việc không tự chăm sóc được cho bản thân.
- Khẩn trương tìm kiếm một mối quan hệ khác như một nguồn chăm sóc khi mối quan hệ thân thiết nào đó kết thúc.
- Lo lắng vô cớ về việc phải tự chăm sóc bản thân.
Ngoài những triệu chứng trên, người mắc rối loạn nhân cách phụ thuộc còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác nếu mắc đồng thời với các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện rượu,… Đồng thời họ cũng có thể thực hiện những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc những người bệnh cạnh khi các mối quan hệ hiện tại bị chấm dứt. Đặc biệt, khi phải ở một mình, người bệnh sẽ xuất hiện những nỗi sợ, sự lo lắng, hồi hộp, bất an, vô vọng, hoảng loạn một cách thái quá hoặc mãn kinh.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách phụ thuộc
Hiện các chuyên gia sức khỏe tâm thần vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây rối loạn nhân cách phụ thuộc. Tuy nhiên, một số yếu tố như văn hóa, yếu tố sinh học và những trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu đã được xác định có liên quan đến cơ chế sinh bệnh.
- Di truyền: tuy đây không phải là một căn bệnh di truyền nhưng theo nhiều chuyên gia thì nhân cách là đặc điểm di truyền và có thể thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hoặc tích cực do môi trường sống. Vì vậy, nguy cơ bị rối loạn nhân cách phụ thuộc sẽ tăng lên nếu tiền sử gia đình bị DPD hoặc mắc các dạng rối loạn nhân cách khác.
- Sang chấn tâm lý: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất và có thể gây ám ảnh lâu dài đối với người bệnh. Tuổi thơ từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng cũng là một yếu tố gia tăng khả năng hình thành rối loạn..
- Cách giáo dục của gia đình: Khi gia đình quá bảo bọc, chăm sóc con cái thái quá có thể khiến cho trẻ lớn lên thiếu các kỹ năng xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và luôn luôn cần người ở bên cạnh săn sóc. Đầu tiên sẽ là những sự phụ thuộc đối với người thân trong gia đình, sau đó sẽ là bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Một số cha mẹ thường xuyên chỉ trích, trách móc và đánh giá thấp năng lực của con cũng là yếu tố góp phần hình thành rối loạn.
Ảnh hưởng của DPD đến cuộc sống
Việc lo âu, sợ hãi và căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới việc người đó tìm đến rượu bia, các chất kích thích để đối phó với cảm giác tiêu cực của bản thân. Điều này lại có thể dẫn đến các khó khăn khác điển hình là lạm dụng chất sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề sức khỏe hiện tại và ngược lại.
DPD còn có thể dẫn đến việc suy giảm chất lượng và thời gian duy trì các mối quan hệ xung quanh. Người DPD luôn cần sự trấn an và xuất hiện của người khác (đặc biệt là người mà họ phụ thuộc) cùng với việc luôn chê bai bản thân khiến cho những người xung quanh họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và thất vọng, từ đó làm rạn nứt các mối quan hệ. Khi ấy, một vòng tròn sâu hoắt xuất hiện do các mối quan hệ quan trọng tan biến thì triệu chứng DPD càng trở nên trầm trọng hơn và còn có thể phát triển chứng trầm cảm.
Ngoài ra, DPD cũng có thể dẫn người mắc vào các mối quan hệ lạm dụng. Bằng việc họ liên tục cố gắng làm hài lòng người khác mà không nhận ra được mình đang bị tổn thương hoặc lợi dụng khiến cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trở nên khó khăn hơn.
Hiện tại đã có nhiều phương pháp chẩn đoán cũng như can thiệp, hỗ trợ cho DPD do đó phần nào giúp cho những người mắc phải “tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Chẩn đoán phân biệt
Các rối loạn tâm thần và tình trạng bệnh khác: Rối loạn nhân cách phụ thuộc phải được phân biệt với sự phụ thuộc phát sinh do hậu quả của các rối loạn tâm thần khác (ví dụ: rối loạn trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, chứng sợ khoảng trống) và do hậu quả của các tình trạng bệnh khác.
Các rối loạn nhân cách khác và đặc điểm nhân cách: Các rối loạn nhân cách khác có thể bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách phụ thuộc vì chúng có những đặc điểm chung. Mặc dù nhiều rối loạn nhân cách được đặc trưng bởi các tính năng phụ thuộc nhưng rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể được phân biệt bằng hành vi chủ yếu phục tùng, phản ứng và đeo bám của nó
Nhân cách thay đổi do tình trạng bệnh khác: Rối loạn nhân cách phụ thuộc phải được phân biệt với nhân cách thay đổi do tình trạng bệnh khác, trong đó các đặc điểm nổi lên là do ảnh hưởng của một tình trạng bệnh khác trên hệ thống thần kinh trung ương.
Rối loạn sử dụng chất: Rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng phải được phân biệt với các triệu chứng có thể phát triển liên quan đến việc sử dụng chất kéo dài..
Phân biệt chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc và lối sống phụ thuộc
Rối loạn nhân cách phụ thuộc:
- Cần người khác như sự bắt buộc để sống
- Là một chứng rối loạn tâm thần nên cần được can thiệp và chữa trị
- Gây nhiều ảnh hưởng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần và đời sống cá nhân người mắc
- Cần sớm kịp thời nhận ra và sự hỗ trợ từ những người xung quanh cho việc điều trị
Lối sống phụ thuộc:
- Lợi dụng người khác để sống tốt hơn mà không cần cố gắng
- Là một thói quen đạo đức về việc dựa dẫm và ỷ lại vào người khác
- Không gây ra nhiều ảnh hưởng ngoài việc duy trì các mối quan hệ lợi dụng cho nhu cầu cá nhân
- Cần chỉ rõ và lên án
Tài liệu tham khảo:
Nhân N. Q. T. (2020, November 26). Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị. YouMed.https://youmed.vn/tin-tuc/roi-loan-nhan-cach-phu-thuoc-nguyen-nhan-trieu-chung-va-dieu-tri/
Oanh T. (2022, February 4). Bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD): Triệu chứng nhận biết và điều trị. TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC. https://tamlytrilieunhc.com/benh-roi-loan-nhan-cach-phu-thuoc-4774.html
Thảo N. (2022, January 14). Đặc Điểm Nhận Biết Người Bị Rối Loạn Nhân Cách Phụ Thuộc (DPD). Tâm Lý Học. https://tamly.com.vn/roi-loan-nhan-cach-phu-thuoc-2593.html
Trang P. (2022, February 15). Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) và điều cần biết. 2Doctor. https://2doctor.org/roi-loan-nhan-cach-phu-thuoc-54353.html
What Are Personality Disorders? (2018, December). Web Starter Kit. https://www.psychiatry.org/patients-families/personality-disorders/what-are-personality-disorders
What is Dependent Personality Disorder? | HealthyPlace. (2021, December 17). Healthyplace. https://www.healthyplace.com/personality-disorders/dependent-personality-disorder/what-is-dependent-personality-disorder