Xin chào mọi người, dạo gần đây mọi người thế nào?
Gần hai năm nay, với nhiều đợt bùng phát liên tục, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lên nhiều mặt của đời sống con người trên toàn thế giới. Áp lực vô cùng lớn đè nặng lên hệ thống y tế, an sinh xã hội đi cùng với sự phong tỏa, giãn cách liên tục đã thay đổi hoàn toàn lối sống và sinh hoạt của chúng ta. Với những tác động ấy, chúng ta đang phải từng ngày đương đầu với sự căng thẳng và ức chế, chính vì thế mà sức khỏe tinh thần, đặc biệt là sự lành mạnh của mỗi người đã bị ảnh hưởng.
Nhiều nghiên cứu về sức khỏe tinh thần cho thấy trong thời kỳ đại dịch, căng thẳng cảm xúc có thể tồn tại ở bất cứ ai (Pfefferbaum & North, 2020), thậm chí còn có những dấu hiệu của rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) do tiếp xúc nhiều với sự kiện gây sang chấn trong thời điểm đại dịch. Nghiên cứu dựa trên thống kê tại Canada vào năm 2020 cho thấy hơn 1/3 các gia đình tại quốc gia này có cảm giác lo lắng từ nặng đến trầm trọng đối với những tác động gây ra bởi Covid-19.
Prime và cộng sự (2020) nghiên cứu thấy những bậc phụ huynh gặp khó khăn tâm lý trong đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách khắc nghiệt, thậm chí là bạo hành. Những đứa trẻ không chỉ chịu áp lực từ người chăm sóc, mà còn từ những khó khăn trong học tập, mối quan hệ. Khi những đứa trẻ cũng có khó khăn trong cảm xúc, hành vi thì cha mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà căng thẳng trong gia đình ngày càng leo thang và dẫn tới những vấn đề tinh thần nghiêm trọng. Tuy nhiên Prime và cộng sự đồng thời cho biết sự lành mạnh của gia đình sẽ là yếu tố bảo vệ họ khỏi những yếu tố gây stress này.
Một trong những khái niệm có liên hệ mật thiết với sự lành mạnh chính là lòng tự trắc ẩn (Self-compassion) (Minh & Giang, 2021).
Tự trắc ẩn được định nghĩa bởi Neff (2003) là khả năng thấu hiểu sâu sắc và toàn tâm toàn ý về cái tôi của chính mình, hiểu những trải nghiệm khó khăn không phải do lỗi của một người nào và hiểu được những tình huống xảy ra trong đời sống chỉ đơn giản là rất khó để đối đầu.
Theo Neff (2003) có 3 thành tố của lòng tự trắc ẩn, bao gồm:
🌱 Tử tế với chính mình (self-kindness).
🌱 Cảm nhận mình là một con người với đầy đủ những phẩm chất (feelings of common humanity), điểm yếu.
🌱 Cuối cùng là chánh niệm (mindfulness).
Đã có nhiều nghiên cứu về tự trắc ẩn cho thấy những lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần, trắc ẩn có tương quan thuận đáng kể với sự hài lòng cuộc sống, trí tuệ cảm xúc, kết nối xã hội, và nhiều lợi ích về tâm lý khác (Neff, 2009). Do vậy, tự trắc ẩn đóng vai trò là một trong những yếu tố xây dựng sự lành mạnh tâm lý của con người, giảm mức độ stress và tăng cường sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu của N. T. Minh và N. L. H. Giang (2021) về tầm quan trọng của tự trắc ẩn và lòng biết ơn trong việc đối đầu với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã cho thấy lòng tự trắc ẩn có ảnh hưởng trực tiếp với sự lành mạnh tâm lý, việc gia tăng tự trắc ẩn và lòng biết ơn có thể giúp cải thiện sự lành mạnh tinh thần và giảm những ảnh hưởng của các căng thẳng, của đại dịch Covid-19 lên sức khỏe tinh thần của cá nhân. Thế nhưng, trong bối cảnh Covid-19, trầm cảm, lo âu, stress sau sang chấn ngày càng nhiều (Pfefferbaum & North, 2020) và những người này cho thấy họ có mức độ tự trắc ẩn thấp (Gutiérrez-Hernández và cs., 2021). Chính vì vậy, xây dựng lòng tự trắc ẩn cho chính mình vào thời điểm này là một điều cần thiết để mỗi người có thể đương đầu với đại dịch một cách lành mạnh.
Có nhiều ý kiến cho rằng dành thời gian cho chính mình ngay lúc này là xa xỉ, ích kỷ với gia đình, xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, dành thời gian để tăng cường sức khỏe tinh thần của bản thân không phải là ích kỷ và yếu đuối trong bối cảnh khủng hoảng. Trở nên căng thẳng, lo lắng là một phản ứng phù hợp của bất cứ ai trong bối cảnh này. Quay lại tự yêu thương và tự trắc ẩn với bản thân là một sự dũng cảm khi chúng ta dám đi chậm lại, ở lại và chấp nhận sự không ổn đang diễn ra bên trong chính mình. Chấp nhận và trắc ẩn với những điều đó là một trong những tiền đề để mỗi cá nhân đủ sức chiến đấu với những ảnh hưởng lớn không chỉ liên quan đến đại dịch hiện tại mà cả những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc sống.
Với mong muốn lan tỏa tinh thần của lòng tự trắc ẩn, từ đó hỗ trợ mọi người trong việc chiến đấu với những tác động của đại dịch. Nơi Bóc Hành sẽ có những hoạt động để cùng đồng hành với mọi người xây dựng những thói quen nhằm gia tăng lòng tự trắc ẩn của bản thân mình.
Tự trắc ẩn là một sự dũng cảm chứ không phải ích kỷ. Trong thời điểm khủng hoảng này, việc ở lại với chính mình là một điều cần thiết để chúng ta cùng nhau bước qua đại dịch. Hẹn gặp lại mọi người trong những hoạt động tiếp theo nha.
Cảm ơn mọi người ❤.
Tài liệu tham khảo:
- Deniz, M. E. (2021). Self-compassion, intolerance of uncertainty, fear of COVID-19, and well-being: A serial mediation investigation. Personality and Individual Differences, 177, 110824. https://doi.org/10.1016/j.paid.2021.110824
- Gutiérrez-Hernández, M. E., Fanjul, L. F., Díaz-Megolla, A., Reyes-Hurtado, P., Herrera-Rodríguez, J. F., Enjuto-Castellanos, M. D. P., & Peñate, W. (2021). COVID-19 Lockdown and Mental Health in a Sample Population in Spain: The Role of Self-Compassion. International Journal of Environmental Research and Public Health, 18(4), 2103.
https://doi.org/10.3390/ijerph18042103. - Neff, K. D. (2003b). Self-compassion: An alternative conceptualization of a healthy attitude toward oneself. Self and Identity, 2(2), 85–101. https://doi.org/10.1080/15298860309032
- Neff, K. D. (2011). Self-compassion, self-esteem, and well-being. Socialand Personality Psychology Compass, 5(1), 1–12. https://doi.org/10.1111/j.1751-9004.2010.00330.x
- Nguyen, T. M., & Le, G. N.H. (2021). The influence of COVID-19 stress on psychological well-being amongVietnamese adults: The role of self-compassion and gratitude. Traumatology, 27(1), 86–97. https://doi.org/10.1037/trm0000295
- Pfefferbaum, B., & North, C.S. (2020). Mental health and the Covid-19 pandemic. The New England Journal of Medicine, 383(6), 510–512. https://doi.org/10.1056/NEJMp2008017
- Prime, H., Wade, M., & Browne, D. T. (2020). Risk and resilience in family well-being during the COVID-19 pandemic. American Psychologist, 75(5), 631–643.
https://doi.org/10.1037/amp0000660