Giới Thiệu Về Self-Concept – Khái Niệm Bản Thân

self-concept

Storytelling:

Only 19 tuổi, là một cô gái được mọi người đánh giá là xinh đẹp, giỏi giang. Mọi người đặt rất nhiều niềm tin và sự kỳ vọng vào cô. Trong mắt Only thì không phải như vậy.

Vào một buổi sáng nọ, Only mở mắt nhưng không đủ sức bước khỏi giường, cô biết mình sắp sửa đối diện với một bài kiểm tra. Cô nhận ra mình muốn trốn chạy khỏi bài kiểm tra ấy. Cô sợ mình không đạt điểm cao, dù cho đêm qua cô đã thức đến gần 3 giờ sáng để ôn bài. Trong đầu cô chợt nhớ lại vài thứ…

Học kỳ vừa rồi, Special – một người bạn trầm lắng ngồi cạnh cô, bỗng nhiên vượt trội và có điểm trung bình cao hơn cô. Dạo này, mọi người thường tìm đến Special để nhờ vả. Tuần trước, Special còn có một bài thuyết trình nhận được rất nhiều lời khen. Mới hôm qua thôi, khi mà giáo viên hỏi ai là người các bạn nghĩ học giỏi nhất lớp này, một vài người đã đồng thanh gọi tên Special.

Nhớ đến đây, bỗng nhiên cô thấy mình thật yếu kém. Cô bắt đầu suy nghĩ…
“Hôm nay mình sẽ làm bài không được”
“Hôm nay mình sẽ không phải là người cao điểm nhất lớp nữa”
“Special sẽ là người điểm cao nhất”
“Tại sao mình lại không thể là người cao điểm nhất nhỉ?”
“Mình đúng là đứa thất bại”
“Mọi người sẽ nghĩ gì về mình đây?”
“Giá như lúc này mình có thể biến mất thì tốt quá”…

Cô cảm thấy mệt mỏi, khó chịu vô cùng bởi những suy nghĩ và cảm giác của bản thân lúc này. Cô muốn vứt bỏ mọi thứ thế nhưng cô không thể nào trốn tránh bài kiểm tra này được. Sẽ ra sao khi cô bỏ bài kiểm tra mà không một lý do, sẽ ra sao khi bị mất đi một cột điểm? Sự thật là dù cô có nghĩ thế nào về bản thân thì cô vẫn muốn mình là người đứng nhất.

Only cuối cùng cũng chịu bước xuống giường sau một hồi cật lực đấu tranh suy nghĩ. Cô đứng trước gương, để chuẩn bị đi học như mọi ngày. Cô bỗng dừng lại một chút và nhìn mình trong gương. Cô tự hỏi: “Tại sao mình có thể xấu xí như vậy nhỉ?”

Cô nhìn từ mắt, môi, mũi, miệng cho đến làn da…tất cả những chi tiết này đều khiến cô khó chịu. Only bất lực thở dài một hơi rồi cũng cầm lấy cây son, bắt đầu tô lên môi. Gương mặt cô đã tươi tắn hơn nhiều. Thế nhưng Only lại tự nói với chính mình:

“Chẳng qua cũng chỉ nhờ son phấn mà thôi.”

“Self – Concept” (Tạm dịch: Khái niệm bản thân) là gì?

“Self – Concept” là hệ thống những niềm tin, suy nghĩ kiên định của chúng ta về chính bản thân mình và cả những giá trị cao nhất mà chúng ta muốn có (Rogers, 1959).\

🌿 Dựa vào định nghĩa có thể thấy, “Self – Concept” bao gồm 2 thành tố:
👉 Một là, “Self – Image” (Tạm dịch: Hình ảnh bản thân): những niềm tin, suy nghĩ kiên định của chúng ta về bản thân mình.
👉 Hai là, “Ideal – Self” (Tạm dịch: Bản thân lý tưởng): những giá trị cao nhất mà chúng ta muốn có.

Nói đơn giản hơn thì đó là con người mà chúng ta muốn trở thành.

Trong mắt Only, hình ảnh bản thân của cô là không xinh đẹp, không có năng lực. Cô tin rằng mình sẽ không được điểm cao trong bài kiểm tra và không hài lòng với những chi tiết trên gương mặt mình. Đây chỉ mới là niềm tin, suy nghĩ của Only về chuyện học tập, chuyện ngoại hình, còn rất nhiều niềm tin và suy nghĩ về các khía cạnh khác trong cuộc sống của Only chưa được đề cập. Hẳn là, chúng ta đều nhận ra Only có hình ảnh không tích cực về bản thân.

Và Only của chúng ta thì không muốn trở thành một cô gái xấu xí, không năng lực. Những giá trị mà Only muốn có là xinh đẹp, là đứng đầu, và có thể nhiều hơn thế nữa. Chúng ta đều thấy hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng của Only khác xa nhau. Trong cuộc sống, có lúc nào chúng ta trải nghiệm những điều giống với Only chưa?

🦋 Trong một trò chơi mà chúng ta muốn chiến thắng và chúng ta thua cuộc, chúng ta sẽ nghĩ như thế nào? Có người nghĩ rằng đây chỉ là một trò chơi vui thôi. Nhưng sẽ có người cho rằng, mình thật ngu ngốc, chỉ có một trò chơi nhỏ mà cũng không chơi được…

🦋 Một người luôn đứng hạng nhất và một ngày nọ họ rơi xuống hạng hai, hạng ba thì sẽ như thế nào? Có người nghĩ rằng, mình tập trung và cố gắng chưa đủ. Cũng sẽ có người nghĩ rằng, mình thật kém cỏi, mình không có năng lực, mình học dở hơn người ta, mình là một đứa thất bại…

🦋 Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao khi những người bạn xung quanh mình dần dần rời đi? Có người cảm thấy buồn vì đánh mất mối quan hệ, có người thấy vui vì họ vừa được giải thoát, cũng sẽ có người cho rằng mình là người xấu và mình không đáng được yêu thương…

🦋 Chúng ta nghĩ gì khi có người nói xấu chúng ta? Có người không quá để tâm đến chuyện đó, cũng sẽ có người hoài nghi chính mình.

Tất cả những suy nghĩ, cảm nhận đó đều nói lên niềm tin, nhận thức của chúng ta về chính mình. Thế thì đó có phải là những điều chúng ta muốn có ở bản thân mình hay không?
Có thể chúng ta sẽ chợt nhận ra, mình cũng giống như Only, cũng có hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng khác xa nhau. Mỗi lần chúng ta đối diện với sự khác xa này sẽ là mỗi lần chúng ta thấy khó chịu, thấy đau khổ và có thể chúng ta sẽ sụp đổ.

Vậy thì điều gì làm cho chúng ta và Only trở nên như thế? Có cách nào để hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng của chúng ta trở thành một hay không?

Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ mọi thứ trong hành trình “bóc hành” này. Sau chặng đường đầu tiên của hôm nay, hy vọng các bạn có một lúc nào đó tự hỏi: “Mình là người như thế nào?”, “Mình muốn trở thành người ra sao?”? Mỗi khoảnh khắc chúng ta tự nhìn nhận chính mình, là chúng ta đã tiến được thêm một bước trên hành trình thấu hiểu bản thân. Có thể trên chặng đường ấy, chúng ta sẽ phải trải nghiệm những cảm giác không mấy dễ chịu, nhưng hành trình “bóc hành” nào mà lại không cay mắt.

Chúng ta có thể nhìn nhận sự “cay mắt” ấy như một chiến thắng, để vững bước hơn trên hành trình của mình 🌿.

Và dù các bạn có sẵn sàng hay chưa sẵn sàng để đi tiếp, mình cũng muốn gửi đến các bạn của mình một câu nói để làm động lực: “The curious paradox is that when I accept myself just as I am, then I can change” – Carl Rogers (Tạm dịch: Một nghịch lý lạ lùng là, khi tôi chấp nhận bản thân như mình vốn dĩ là, khi đó tôi có thể thay đổi) 🌿.

Một lần nữa hy vọng các bạn của mình có đủ dũng khí để đối diện với bản thân và vững bước trên hành trình thấu hiểu chính mình ❤.

Tài liệu tham khảo:
Rogers, C. R. (1959). A Theory of Therapy, Personality, and Interpersonal Relationships: As Developed in the Client-Centered Framework. In S. Koch (Ed.), Psychology: A Study of a Science. Formulations of the Person and the Social Context (Vol. 3, pp. 184-256). New York: McGraw Hill

0 Shares:
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like